Tuyến đường ven biển không chỉ phục vụ đắc lực cho phát triển du lịch, mà theo quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận, đây còn là một trong 3 hành lang phát triển kinh tế quan trọng của địa phương.
Con đường du lịch
Cách đây gần 10 năm, ngày 16/4/2015, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức khánh thành đường ven biển Ninh Thuận với tổng chiều dài 106,4km, tổng mức đầu tư 4.551,3 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu tuyến giao với đường Quốc lộ 1A tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ 1A tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, gần ranh giới tỉnh Bình Thuận.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận từng nhìn nhận, tuyến đường ven biển góp phần khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế vùng biển và ven biển Ninh Thuận, nhất là tiềm năng về năng lượng tái tạo và du lịch.
Và qua gần 10 năm, khi nói đến du lịch Ninh Thuận là phải nhắc đến cung đường ven biển đẹp như tranh vẽ, uốn lượn quanh co với bờ biển tuyệt đẹp, thu hút khách du lịch tự lái xe trải nghiệm, chinh phục.
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận khẳng định, tuyến đường ven biển được đánh giá là một trong tuyến đường ven biển đẹp nhất Việt Nam, đi qua phía Nam là vùng rừng núi đá đặc thù, rừng khô hạn rất đặc biệt. Nhích lên chút nữa là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa. Từ biển Bình Tiên đến vịnh Vĩnh Hy, làng nho Thái An, có rất nhiều điểm dừng chân như khu Hang Rái, khu công viên đá…
“Con đường ven biển đóng vai trò kết nối các điểm du lịch”, ông Tiến nói.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho hay, cốt lõi để phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận là con đường ven biển. Cụ thể, bên cạnh đóng vai trò là con đường an ninh, quốc phòng, kinh tế, thì con đường ven biển còn là huyết mạch kết nối các điểm du lịch.
Theo website của ngành du lịch Ninh Thuận (ninhthuantourism.vn), cung đường ĐT.701 (đường ven biển dài nối TP. Phan Rang – Tháp Chàm đến Cà Ná) và cung đường ĐT.702 (đường ven biển từ TP. Phan Rang – Tháp Chàm đi về TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) được tư vấn là 2 trong hơn 70 địa điểm danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch độc đáo và nổi tiếng tại Ninh Thuận “đang chờ bạn khám phá”.
Không chỉ là điểm đến
PGS-TS Phan Quốc Anh (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận) từng phân tích, nếu trước đây, khi kêu gọi đầu tư du lịch biển, Ninh Thuận phải “trải thảm” chào đón nhà đầu tư, thì từ khi tuyến đường ven biển được khởi công, tỉnh có quyền lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, đến nay, tỉnh có 56 dự án du lịch (vốn đầu tư 52.469,2 tỷ đồng) đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, 24 dự án (3.971,5 tỷ đồng) đã hoàn thành, đi vào hoạt động; 19 dự án (39.660,7 tỷ đồng) đã triển khai thi công; 13 dự án (8.837 tỷ đồng) chưa thi công.
Riêng trong 3 năm 2021-2023, nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án du lịch là 36.908,3 tỷ đồng, với 23 dự án. Đến nay, 7 dự án (1.940,5 tỷ đồng) đã hoàn thành đưa vào hoạt động; 10 dự án (31.239,8 tỷ đồng) đang triển khai thi công xây dựng và 6 dự án (3.728 tỷ đồng) đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai.
Các dự án đang triển khai thi công như Khu nghỉ dưỡng ANARA Bình Tiên; Ninh Chữ Sailing Bay; Mũi Dinh Ecopark; Sunbay Park Hotel & Resort; Long Thuận Hotel – Villas Ninh Thuận…
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhiều dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao, đi vào hoạt động hiệu quả như Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, Khu du lịch Hoàn Mỹ, Khu du lịch Long Thuận, TTC Resort Premium – Ninh Thuận… Điểm chung các dự án này là đều nằm dọc theo tuyến đường ven biển ĐT.702.
Hành lang quan trọng
Khi phóng viên hỏi về dự án hạ tầng giúp Ninh Thuận chuyển mình, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Ninh Thuận cho rằng, trong giai đoạn 2010 – 2020, dự án đường ven biển đã tạo “cú hích” đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thu hút các nhà đầu tư lớn đổ về đây.
“Dự án đường ven biển đã tạo hành lang biển, phát triển kinh tế biển. Dự án tạo tiền đề để phát triển kinh tế biển”, ông Vinh nhận định.
Đến nay, trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh, Ninh Thuận đều xác định vai trò và định hướng khai thác tuyến đường ven biển. Trong đó, có thể nhận thấy, Ninh Thuận chú trọng khai phá tiềm năng của đoạn đường ĐT.701 (trước đây phục vụ quy hoạch 2 dự án nhà máy điện hạt nhân).
Cụ thể, ngày 21/7/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu vực Mũi Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Theo kế hoạch này, Ninh Thuận định hướng phát triển các dự án theo hướng tạo sự kết nối giữa các khu vực thông qua các dự án giao thông. Cụ thể, tỉnh sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào dự án và các hướng tuyến giao thông phụ trợ, kết nối đi các khu vực lân cận, trong đó ĐT.701 là tuyến đường huyết mạch ven biển.
“Các dự án khu du lịch chủ yếu bám theo tuyến đường này. Tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư đến các khu vực chưa có nhà đầu tư quan tâm, cũng như tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận các khu du lịch trong thời gian lưu trú tại tỉnh”, nội dung Kế hoạch số 3192 nêu rõ.
Các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng đã và đang thực hiện trong khu quy hoạch này gồm Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark, Khu du lịch Vịnh Mũi Dinh, Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể, Khu du lịch nghỉ dưỡng Mặt trời Mũi Dinh, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận, Khu du lịch sinh thái Cà Ná Star.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, trong 3 hành lang phát triển kinh tế của tỉnh, hành lang phát triển ven biển được quy hoạch bám dọc theo tuyến đường ven biển (ĐT.701, ĐT.702) từ Bắc đến Nam và khu vực vùng bờ.
Hành lang được quy hoạch phát triển du lịch là chủ đạo gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Núi Chúa, phát triển sản phẩm du lịch khác biệt gắn với 6 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang – Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) và các khu đô thị du lịch, khu chức năng ven biển được cụ thể hóa trong quy hoạch khu du lịch quốc gia Ninh Chữ.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin, quy hoạch tập trung phát triển 3 hành lang, gồm tuyến đường cao tốc, tuyến đường ven biển và mở rộng phát triển theo trục Đông – Tây tạo kết nối vùng, liên vùng…
“Tỉnh xác định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là cực tăng trưởng mới, là động lực quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về cảng biển, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp, đô thị, du lịch hướng đến năm 2025 đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước”, ông Nam nói.
Theo quy hoạch tỉnh, Ninh Thuận dự kiến thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam (với quy mô dự kiến khoảng 43.900 ha) thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn các huyện Thuận Nam và Ninh Phước.
Hướng đến mục tiêu trên, tại huyện Thuận Nam, hàng loạt dự án lớn đang triển khai. Các dự án này đều có điểm chung là gắn liền với tuyến đường ven biển (tiếp giáp hoặc là điểm cuối của dự án).
Theo đó, Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn I do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư, có tổng diện tích quy hoạch 85,52 ha, tổng mức đầu tư 5.626,9 tỷ đồng, đã hoàn thành, đi vào hoạt động.
Hai dự án giao thông quan trọng có điểm cuối nối với tuyến đường ven biển gồm Dự án đường Văn Lâm – Sơn Hải, tổng mức đầu tư 372,5 tỷ đồng, chiều dài hơn 13 km, sắp về đích; Dự án Đường nối cao tốc Bắc – Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná, tổng mức đầu tư 903 tỷ đồng, chiều dài 14,7 km, đang thi công.
Hay Dự án Khu đô thị Đầm Cà Ná do Công ty cổ phần ACT Holdings làm chủ đầu tư, tổng diện tích 64,46 ha, tổng mức đầu tư khoảng 4.490,85 tỷ đồng, đang được triển khai thi công.
Những dự án này tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của tuyến đường ven biển trong thời gian tới.
Theo Báo Đầu Tư